Nhà dọn mãi vẫn bẩn và đầy vi trùng chỉ vì mắc phải 8 sai lầm này

Quá trình dọn dẹp nhà cửa có thể trở thành "công cốc", thậm chí khiến nhà bẩn hơn cả chưa dọn nếu bạn không biết cách dọn dẹp khoa học.

Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao ngày nào cũng dọn nhà nhưng lại càng làm nhà bẩn hơn? Đó là vì bạn đã mắc phải một vài sai lầm khi dọn nhà dưới đây.

Sử dụng dụng cụ vệ sinh bẩn

Quá trình dọn nhà chỉ đạt hiệu quả như mong muốn khi chúng ta sử dụng dụng cụ đảm bảo. Trước khi bắt tay vào dọn dẹp, hãy đảm bảo rằng bản thân các dụng cụ mà chúng ta sử dụng cũng đủ sạch sẽ nhằm tránh làm lây lan vi trùng, bụi bẩn khắp nhà. Bạn nên giặt sạch rẻ lau, bản chải cọ vệ sinh và chổi lau nhà thường xuyên. Và nhớ đừng quên vệ sinh chổi cọ bồn cầu sau mỗi lần sử dụng. Với máy hút bụi, nên đổ bụi khi túi đầy và thay hoặc giặt tấm lọc thường xuyên để tối ưu hiệu suất của máy.

Không lau chùi trước khi khử khuẩn

Lau chùi và khử khuẩn không phải là 2 cách gọi khác nhau của cùng một công việc. Lau chùi là cách loại bỏ vi trùng ra khỏi bề mặt bằng tác động vật lý, trong khi khử trùng là cách sử dụng hóa chất để tiêu diệt hoàn toàn vi trùng. Tuy nhiên, nếu bề mặt cần khử trùng bị phủ một lớp bụi bẩn thì chất khử trùng sẽ rất khó tiếp xúc với vi trùng để thực hiện nhiệm vụ của mình. Đó là lý do vì sao làm sạch bề mặt lại là bước quan trọng cần được thực hiện đầu tiên đầu tiên. 

Kì cọ vết bẩn ngay lập tức

Chúng ta đều biết rằng các chất bẩn khi bị đổ hay văng bắn thường cần được làm sạch ngay lập tức để không ngấm sâu vào bề mặt, nhưng theo bản năng thông thường, khi thấy vết bẩn là chúng ta bắt đầu kì cọ, chà rửa mà không biết rằng hành động như vậy chỉ làm tình hình trở nên tồi tệ hơn. Hành động chà cọ càng khiến vết bẩn lan rộng và thấm sâu vào bên trong, thậm chí là làm rách lớp bọc ngoài vật dụng. Trước tiên, bạn nên dùng một miếng vải trắng sạch để thấm hút dư lượng chất bẩn rồi mới áp dụng các phương pháp loại bỏ vết bẩn phù hợp với từng vật liệu.

Lau bề mặt quá sớm

Quy trình làm sạch vết bẩn không phải lúc nào cũng đơn giản gồm 2 bước: xịt khuẩn và lau sạch. Trên thực tế, chất khử trùng luôn cần một khoảng thời gian nhất định để phát huy tác dụng, vì thế hãy kiên nhẫn. Trong một số trường hợp, nhiều bề mặt vật liệu cần được ngâm trong hóa chất vài phút mới có thể loại bỏ hoàn toàn vi trùng. Luôn nhớ đọc kỹ nhãn sản phẩm để biết chính xác thời gian tiếp xúc cần thiết để vệ sinh hoặc khử trùng.

Dùng bọt biển rửa chén để lau bàn bếp

Bọt biển rửa chén phù hợp với chén, đĩa sứ hay thủy tinh, giúp cho chén, đĩa không bị trầy xước. Tuy nhiên, hãy suy nghĩ thấu đáo trước khi dùng miếng bọt biển rửa chến để lau chùi mặt bàn bếp bởi nó chính là môi trường lý tưởng cho vi trùng phát triển và có thể làm lây lan vi trùng sang bề mặt khác trong quá trình bạn lau chùi. Để tránh phát tán vi trùng, hãy sử dụng một miếng vải sạch riêng để lau chùi các bề mặt hoặc khử trùng miếng bọt biển thường xuyên, thay thế bọt biển định kỳ hàng tháng.

Sử dụng chung một miếng vải để lau khắp nhà

Tái sử dụng giẻ lau nghe chừng có vẻ hiệu quả và giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, tuy nhiên đây lại là cách nhanh nhất làm phát tán vi trùng, nấm mốc từ phòng này sang phòng khác. Chắc hẳn bạn không muốn hàng triệu con vi khuẩn, vi trùng từ phòng tắm cuối cùng lại "ngự trị" trên mặt bàn bếp phải không nào? Hãy đánh dấu các miếng vải sử dụng cho các phòng khác nhau và giặt sạch chúng thường xuyên. Nếu sử dụng khăn giấy ướt thì chỉ nên dùng từng tờ riêng biệt cho mỗi lần lau chùi.

Không đảm bảo thông gió

Khi sử dụng hóa chất tẩy rửa có chứa các thành phần như amoniac hoặc thuốc tẩy thì thông gió tốt là điều tối quan trọng. Vì trong quá trình lau chùi, hương liệu từ hóa chất công nghiệp có thể phát tán vào không khí trong phòng và gây kích ứng khí quản. Để làm sạch không khí, bạn nên bật quạt thông gió, mở cửa sổ kết hợp với bật máy lọc không khí. Ngay khi dọn dẹp xong, hãy rời khỏi phòng cho tới khi hóa chất bay hết.

Lau dọn từ dưới lên

Nếu bạn lau, quét, hút bụi sàn nhà rồi mới dọn dẹp đồ đạc, bàn ghế, thì bụi bẩn có thể rơi trở ngược xuống khu vực bạn vừa làm sạch, kết quả là bạn sẽ phải dọn lại khu vực phía dưới lần 2. Vì thế, hãy làm theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống, bắt đầu từ cửa sổ, bàn, quầy, kệ, ghế… rồi mới đến sàn nhà.

Nguyễn Phượng